Hello world!

Tháng Ba 4, 2009

Welcome to WordPress.com. This is your first post. Edit or delete it and start blogging!

Bệnh da do thai nghén

Tháng Hai 28, 2009
Xem hình
Herpes ở vùng bụng trong thời kỳ mang thai.

Thiên chức của người phụ nữ là được làm mẹ. Nhưng trong quá trình trở thành mẹ cũng lắm gian truân, trong đó có một số bệnh da gây phiền hà như: ứ mật do thai nghén, sẩn mề đay, sẩn ngứa Besnier, viêm nang lông, chốc dạng éc-pét, éc-pét do thai nghén…
Ứ mật do thai nghén

Bệnh ứ mật do thai xuất hiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ và khỏi sau khi sinh, tái phát ở lần có thai sau.

Biểu hiện của bệnh là ngứa và vàng da. Căn nguyên do thai nhi phát triển chèn ép vào ống mật, mật không xuống được ruột ứ lại trong gan gây nên vàng da và ngứa. Bệnh làm tăng tỷ lệ biến chứng cho thai.

Thai phụ cần phải đi khám để được hướng dẫn điều trị: đi bộ, nằm tư thế nửa nằm nửa ngồi có tác dụng giảm triệu chứng bệnh. Theo tác giả Hirvioja, uống dexametasone 12mg/ngày trong 7 ngày thấy hết triệu chứng

Sẩn mề đay do thai nghén (PUPPP)

Sẩn mề đay do thai nghén thường xuất hiện vào 3 tháng cuối của thai kỳ với các biểu hiện sẩn phù liên kết thành mảng rộng ở vùng bụng dưới lan ra mông, bẹn, đùi, chân, tay. Phần trên ngực, mặt và niêm mạc hoàn toàn bình thường. Bệnh chỉ thấy ở lần có thai đầu tiên (chửa con so), không tái phát ở những lần có thai sau (chửa con dạ)… và tự khỏi sau khi đẻ. Nhiều nghiên cứu thấy sẩn mề đay do thai nghén có liên quan đến tình trạng quá cân của người mẹ. Bệnh hoàn toàn không ảnh hưởng đến thai nhi, hiếm khi thấy mề đay thoáng qua ở trẻ sơ sinh.

Điều trị: Bôi flucinar bệnh sẽ thuyên giảm. Sau khi đẻ vài ngày bệnh khỏi hoàn toàn.

Sẩn ngứa Besnier

Phát ban dạng sẩn vảy, ngứa tập trung ở tay chân và phần trên thân mình. Bệnh xuất hiện vào giữa tuần thứ 20 – 34 của thai kỳ, khỏi sau khi sinh và không tái phát ở lần có thai sau.

Điều trị bằng bôi corticoide loại mạnh như betnovate, temovate… Kết quả nghiên cứu thấy thuốc không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai.

Viêm nang lông khi thai nghén

Bệnh phát vào thời kỳ thứ ba của thai kỳ (3 tháng cuối của thai kỳ). Biểu hiện bệnh là những sẩn mủ ở nang lông rải rác toàn thân, ngứa. Đây là một dạng của trứng cá nội tiết. Bệnh tự khỏi sau khi sinh 3 tuần, không cần điều trị

Chốc dạng Herpes (impetigo herpetiformis = IH)

IH là một dạng của vảy nến thể mủ. Thai phụ thường sốt, xuất hiện những đám mủ trắng trên nền da đỏ. Thương tổn xuất phát từ bẹn, nách, cổ lan rộng ra xung quanh. Xét nghiệm thấy bạch cầu tăng cao và canxi huyết thấp. Bệnh khỏi sau khi đẻ và lại tái phát vào lần có thai sau. Thai nhi có thể bị chết lưu do thiểu năng nhau thai.

Điều trị: đây là thể nặng của vảy nến. Bệnh nhân phải được khám, điều trị tại bệnh viện bằng các thuốc đặc hiệu và theo dõi diễn biến chặt chẽ.

Herper thai kỳ (herpes gestationis =HG) hay còn gọi là pemphigoid thai kỳ

Đây là bệnh rất hiếm, tỷ lệ mắc 1/50.000 thai phu. Biểu hiện của bệnh là viêm da bọng nước gặp trong thời kỳ mang thai và sau đẻ. HG xuất hiện vào tuần thứ 20-21 của thai kỳ, lúc đầu là những sẩn, mảng mề đay, mụn nước, phỏng nước ở vùng quanh rốn và đùi sau lan ra toàn bộ bụng, lưng, ngực và chi, gồm cả lòng bàn tay, bàn chân. Nhưng mặt, đầu và niêm mạc hoàn toàn bình thường. Phỏng nước dập vỡ tạo thành hình vòng cung hoặc nhiều vòng cung, ngứa dữ dội.

HG thường phát nặng vài ngày sau đẻ và thuyên giảm sau 3 tháng, tái phát khi uống thuốc tránh thai hoặc thấy kinh và tái phát ở lần có thai sau (con dạ). Bệnh khỏi không để lại sẹo trừ khi cào xước hoặc nhiễm khuẩn thứ phát. HG hầu như không ảnh hưởng đến thai nhi, đôi khi thấy sinh non và trọng lượng thai thấp hơn tuổi thai, dưới 5% trẻ sơ sinh có biểu hiện bệnh ở dạng mề đay hoặc mụn nước, những trường hợp này sẽ tự khỏi không cần điều trị. Khi thấy biểu hiện ngứa và mụn nước xuất hiện ở vùng bụng, quanh rốn trong thời gian mang thai, thai phụ nên đi khám để được điều trị kịp thời và dùng thuốc ức chế miễn dịch duy trì vì đây là một bệnh tự miễn.

ThS. Đỗ Xuân Khoát

(Theo SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG)

Nấm da, nấm móng

Tháng Hai 28, 2009
Xem hình
Nấm móng chân, móng tay

Ở người, nấm vào da qua các chỗ xây sát nhẹ như: vết gãi, rồi từ đó lan từ giữa ra xung quanh thành hình tròn. Ở da đầu, nấm chui vào sợi tóc rồi tiến dần lên. Đối với móng, thì bắt đầu từ bờ tự do hoặc bờ bên đi vào mầm móng.

Nấm vùng râu (tinea barbae)

Bệnh ít gặp, thường gặp ở người làm ruộng, chăn nuôi gia súc. Vị trí thường ở một bên cổ hoặc mặt. Có 2 hình thái lâm sàng:

– Thương tổn mưng mủ, sâu: bệnh diễn biến chậm, có các thương tổn mưng mủ thâm nhiễm lan rộng giống như kerion, lông rụng tại vùng tổn thương, da xung quanh viêm tấy.

– Thương tổn bề mặt với các mụn mủ, vẩy tiết ở nang lông. Đôi khi thấy hiện tượng tóc gãy.


Nấm vùng mặt (Tinea faciei)

thương tổn da là đám đỏ da, bong vảy, ranh giới đôi khi không rõ rệt, vì vậy chẩn đoán khó. Chẩn đoán xác định chủ yếu dựa vào xét nghiệm soi trực tiếp nấm.


Nấm da nhẵn (Tinea corporis)

gặp nhiều hơn so với nấm da đầu, nấm da mặt, nấm vùng râu, nấm vùng tay chân và nấm bẹn. Vị trí thường gặp ở chi trên, chi dưới và thân, thương tổn hình vòng cung có thể một hoặc nhiều hình vòng cung, ranh giới rõ, màu hồng nhạt, khô, vẩy da, thường có xu hướng nhạt màu ở giữa. Thương tổn thường nổi cao ở bờ, tiến triển có xu hướng lành giữa vì vậy có tên ringworm. Thương tổn có thể lan rộng hình vòng cung 8-10 centimet. Thương tổn lan rộng có thể là một dấu hiệu của bệnh AIDS.


Nấm bẹn (Tinea cruris)

bệnh gặp nhiều ở nam giới khu trú ở nếp bẹn, mặt trong đùi, gặp nhiều vào mùa nóng ẩm. Bắt đầu là những chấm đỏ có tính chất viêm, có vẩy nhỏ, lan ra xung quanh thành mảng hình tròn, bờ hơi nổi cao, trên bờ có mụn nước và vảy da. Dần dần các mảng nhỏ liên kết với nhau thành mảng lớn có nhiều vòng cung , ở giữa nhạt màu và hơi xẹp xuống.


Nấm tay và chân (Tinea of hand and feet)

nấm da ở chân rất hay gặp thường được gọi là bàn chân vận động viên. Thương tổn ban đầu là đám đỏ da, bong vẩy da nhỏ, mỏng, đôi khi có mụn nước, nứt ở giữa và dưới ngón chân. Bệnh gặp nhiều ở người ra mồ hôi chân nhiều hoặc người có bàn chân bẹt, kẽ ngón khít và có thay đổi thành phần hoá học của mồ hôi .


Lâm sàng: có 4 hình thái biểu hiện:


Bong vảy: lòng bàn chân đỏ, bong vảy nhiều. Ngứa ít, thường ở một bên, sau lan ra hai bên.


Viêm kẽ: Xuất hiện kẽ ngón 3-4 một đường nứt giữa kẽ, da xung quang kẽ bột và mủn, chảy nước ngứa nhiều và đau. Bệnh thường kéo dài, đỡ về mùa đông, phát thành đợt cấp về mùa hè.


Tổ đỉa: Xuất hiện những mụn nước bằng đầu đinh ghim đến bằng hạt đỗ, nằm sâu dưới da khó vỡ. Các mụn nước có thể liên kết thành bọng nước lớn, vỡ ra để lại vết trợt, bề mặt lỗ chỗ. Bệnh nhân ngứa và đau nhiều.


Viêm móng: Căn nguyên gây bệnh là chủng nấm T.Mentagrophyte, T.Rubrum.


Bệnh lang ben ( Pityriasis versicolor)

thuộc nhóm bệnh nấm gây bệnh ở lớp sừng. Bệnh xảy ra ở người tăng tiết mồ hôi và có những thay đổi về thành phần hóa học của mồ hôi. Bệnh bắt đầu bằng những chấm hồng nâu, hoặc trắng ở lỗ chân lông. Các chấm lớn dần lan rộng và liên kết với nhau thành mảng, bờ nham nhở vòng vèo. Bề mặt tổn thương có vẩy da nhỏ, cạo bong ra dễ dàng, gọi là dấu hiệu vỏ bào. Thương tổn không đau, không ngứa hoặc ngứa ít lúc ra mồ hôi. Vị trí thường gặp ở ngực, lưng, cổ, bụng, vùng nếp gấp, đôi khi có thể thấy ở da đầu, tay chân. Bệnh thường hay tái phát. Sau khi khỏi để lại đám mất màu khá lâu, trông giống như bị bạch biến. Bệnh thường gặp ở những nước nhiệt đới nóng ẩm.


Bệnh vẩy rồng (Tinea imbricata)

thuộc nhóm bệnh nấm gây bệnh ở lớp sừng, bệnh gặp nhiều ở vùng nhiệt đới. Biểu hiện trên da không đỏ, không viêm, thấy xuất hiện những đám hình tròn hoặc bồ dục màu nâu, bong vảy bắt đầu từ giữa thương tổn nên bờ trong tự do còn bờ ngoài dính vào da. Lại xuất hiện đợt bong vảy mới từ ở giữa nên nhìn thương tổn có nhiều vòng bong vảy đồng tâm. Thương tổn lan vào các móng làm các móng dày lên và dễ gãy. Ngứa dữ dội.


Bệnh nấm móng (Onychomycosis)

Nấm móng là nhiễm trùng ở móng do nấm, chiếm tới 30% các chẩn đoán bệnh nấm nông.


Nấm móng do Trichophyton rubrum thường bắt đầu chậm và âm ỉ, có thể một hoặc nhiều móng, có thể nấm móng đơn thuần hoặc phối hợp với thương tổn ở tay, chân. Bắt đầu với chấm trắng ở bờ tự do của móng, dần dần móng dày lên, mủn, vàng bẩn, dễ gãy, bên dưới móng có một khối sừng mủn.


Có 3 hình thái thương tổn móng:

  • Móng dày sừng: móng dày sừng, dưới móng có khối sừng mủn.
  • Móng teo: móng bị mủn, mòn dần từ bờ tự do đến chân móng.
  • Hình thái bình thường: móng bình thường có màu trắng hoặc màu vàng.

Nấm móng do Trichophyton mentagrophyte cũng bắt đầu bằng chấm, đường trắng từ bờ tự do hoặc bờ bên. Dần dần móng cũng dày lên và trở thành màu vàng bẩn dễ mủn.

Nấm móng do Trichophyton violaceum cũng bắt đầu từ bề mặt móng, không có biểu hiện viêm quanh móng .


Thương tổn móng gây nên bởi C.albicans thường biểu hiện viêm quanh móng. Bệnh bắt đầu từ gốc móng, đôi khi có mủ ở gốc móng. Lớp da xung quanh móng đỏ , sưng nề, đau nhức. Móng trở nên đen, sần sùi, tách khỏi bàn móng. Viêm quanh móng do Candida thường gặp ở móng tay, ít gặp ở móng chân. Bệnh gặp nhiều ở người làm nghề nội trợ, làm đậu phụ.


Điều trị

– Thuốc bôi ngoài da: Nếu bệnh nhân chỉ có 1 hoặc 2 tổn thương, chỉ cần dùng thuốc bôi chống nấm tại chỗ như dung dịch màu Castelani, salicylic 5%, ketoconazole (Nizoral), terbinafine (Lamisil). Thuốc bôi dạng kem hiệu quả hơn dạng dung dịch.

– Thuốc uống: Sử dụng thuốc chống nấm toàn thân dựa trên 3 tiêu chuẩn

  • Phổ tác dụng của thuốc chống nấm.
  • Dược động học của thuốc.
  • Biểu hiện lâm sàng.

Ngoài ra phải xem xét tính an toàn, tính chịu thuốc và giá thành.

Bác sĩ CKII Đặng Thu Hương

Bệnh da do vi khuẩn

Tháng Hai 28, 2009
Xem hình
Tụ cầu vàng gây bệnh viêm da

Từ lâu người ta đã biết được rằng, da người là “đất sống” của trên 250 loài. Có những loại vi khuẩn cư trú lâu dài như tụ cầu (Staphylococcus), liên cầu (Streptococcus), PropionibacteriaCorynebacteria… nhưng có những loài có thời gian khu trú ngắn hơn. Có loài bình thường là vi sinh vật bảo vệ cho da, có loài xâm nhập qua các vết xây xước của da mà gây bệnh cho da. Ở mỗi người, số lượng vi khuẩn cư trú thay đổi qua thời gian tùy thuộc vào khuynh hướng tồn tại của chúng.

BỆNH CHỐC

Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng 90% trường hợp là ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Bệnh thường gây nên do liên cầu, tụ cầu hoặc phối hợp cả hai.


Biểu hiện

Bắt đầu là dát đỏ xung huyết, nhanh chóng tạo thành bọng nước. Bọng nước nhăn nheo, xung quanh có quầng đỏ, sau vài giờ thành bọng mủ đục từ thấp lên cao. Vài giờ hoặc vài ngày sau các bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết màu vàng nâu giống màu mật ong. Sau khoảng 7 – 10 ngày, vảy tiết bong đi để lại dát hồng hoặc dát thâm, tồn tại một thời gian ngắn, mất đi không để lại sẹo.


Vị trí thường gặp ở mặt, nhưng có thể bất kì chỗ nào kể cả lòng bàn tay, chân. ở đầu vảy tiết làm tóc bết lại. Hiếm khi niêm mạc bị tổn thương nhưng cũng có thể có.


Toàn thân: rất hiếm khi sốt, trừ trường hợp thương tổn chốc toàn thân hoặc có biến chứng. Bệnh nhân có thể ngứa gãi làm thương tổn lan rộng chàm hóa hoặc lan sang vùng da khác.


Căn nguyên

Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là liên cầu và tụ cầu. Vi khuẩn xâm nhập qua da qua các sang chấn nhỏ vào lớp sừng và lớp gai, nhân lên, tiết độc tố làm tan rã những dây liên kết giữa các tế bào gai, huyết thanh tụ lại tạo thành bọng nước dư­ới lớp sừng.ên cầ

u trư

Các yếu tố như tuổi nhỏ, thời tiết nóng ẩm, mùa hè, nơi ở chật chội, vệ sinh kém là những điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển. Ngoài ra các bệnh phối hợp như chấy, rận, ghẻ, herpes, côn trùng cắn, viêm da cơ địa… cũng là những yếu tố làm cho bệnh dễ phát sinh và phát triển.


Tiến triển

Chốc là bệnh lành tính. Nếu phát hiện và điều trị tích cực thì 7 – 10 ngày khỏi, ít có tái phát và biến chứng. Tuy nhiên có thể gặp các biến chứng: chàm hóa, chốc loét, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp….


Điều trị

– Tại chỗ: Làm bong vảy tiết bằng đắp dung dịch NaCl 9 phần nghìn hay thuốc tím 1/10.000 hoặc dung dịch Jarish. Nếu vảy dày dùng mỡ kháng sinh. Khi vảy tiết đã bong đi, chấm vào thương tổn dung dịch có màu như Milian hoặc Castellani.


– Toàn thân: dùng khi thương tổn lan rộng, nặng, dai dẳng và có nguy cơ biến chứng viêm cầu thận cấp. Có thể dùng kháng sinh nhóm beta lactam, cephalosporine, macrolide, quinolone, kháng sinh penicilline bán tổng hợp.


Phòng bệnh

Tắm rửa vệ sinh ngoài da, cắt tóc, cắt móng tay. Chăm sóc cho trẻ nhỏ, nhất là sau khi mắc các bệnh do virus hoặc sởi. Tránh ở lâu những nơi ẩm thấp, thiếu ánh sáng. Điều trị sớm và tích cực, tránh chà xát, gãi nhiều gây biến chứng.


BỆNH VIÊM NANG LÔNG

Là phản ứng viêm của một hoặc nhiều nang lông ở bất kì vị trí nào trên cơ thể, trừ vùng bán niêm mạc, lòng bàn tay, bàn chân. Nếu thương tổn ở vùng da đầu, râu, lông nách, lông mu gọi là Sycosis (viêm chân tóc). Nếu thương tổn ở vùng lông tơ gọi là viêm nang lông.


Biểu hiện

+ Viêm cổ nang lông: mụn mủ nhỏ như hạt kê rất nông ở lỗ chân lông, màu vàng nhạt, dễ vỡ để lại vảy mủ hoặc vảy lẫn máu. Bệnh diễn biến thành từng đợt và tự lành sau vài ngày, không để lại sẹo. Vị trí điển hình là ở mặt, da đầu, lông mu, lông nách, nếp bẹn, hai cẳng chân.

+ Viêm nang lông sâu: viêm xâm lấn vào tận cấu trúc nang, khi khỏi có thể tạo thành sẹo lồi hay sẹo teo da, rụng tóc.


Căn nguyên

Phần lớn là do tụ cầu vàng ký sinh ở trên da, trên các lỗ chân lông, nhưng có thể do một số vi khuẩn khác như vi khuẩn Gram âm, Enterobacter Klebsiella, Proteus, Pseudomonas aeruginosa hay do nấm men (Candida hay Pityrosporum), nấm sợi hoặc virus.


Điều trị

– Tại chỗ: Không được nặn mụn mủ mà nên chấm dung dịch cồn iot 5% hoặc dung dịch betadin.

– Toàn thân: Có thể uống kháng sinh nhóm beta lactam, cephalosporine, macrolid như cloxacilin hoặc erythromycin.


Phòng bệnh

Rửa tay thường xuyên có tác dụng phòng bệnh viêm da do vi khuẩn

Loại bỏ chấn thương tại chỗ (không gãi, không mặc quần áo quá chật, tránh xây xước khi cạo râu…). Điều trị bệnh phối hợp như tiểu đường, giảm miễn dịch…. Rửa tay, giặt quần áo bằng xà phòng tiệt khuẩn (VD: xà phòng lifebuoy, Betadin skin cleanser…). Vệ sinh đúng cách để dự phòng tổn thương lan tỏa và tồn lưu. Nếu tổn thương ở vùng râu thì phải thay dao cạo và cách cạo râu.


NHỌT

Là thuật ngữ dùng để chỉ thương tổn viêm nang lông sâu, viêm quanh nang lông có hoại tử vùng trung tâm tạo nên ngòi màu vàng.


Bệnh nhọt rất thường gặp và thường gây ra do tụ cầu vàng khu trú trên da. Khi nang lông bị tổn thương, vi khuẩn sẽ xâm nhập sâu vào nang lông và tổ chức dưới da.


Nhọt có thể xuất hiện bất cứ trên vùng nang lông nào của cơ thể, tuy nhiên vị trí thường gặp nhất là mặt, cổ, hố nách, mông, đùi và những vùng da băng ẩm kéo dài.


Biểu hiện lâm sàng

* Nhọt: Tổn thương ban đầu là cục cứng, đỏ, nóng, đau, khu trú ở nang lông, ở giữa nhọt là một đốm trắng (ngòi). Sau 1 vài ngày nhọt trở nên mềm và vỡ mủ làm thoát ngòi ra ngoài. Khi đó bệnh nhân giảm đau, giảm sưng đỏ. Đa số bệnh nhân chỉ có 1 đến 2 nhọt. Vị trí thường gặp ở vùng có lông đặc biệt vùng cọ sát hoặc ra mồ hôi nhiều như cổ, nách, mông.

Nhìn chung nhọt không có triệu chứng toàn thân. Một người có nhiều nhọt (5 – 7 cái) hoặc nhọt ở trẻ con có thể kèm theo sốt, albumin niệu.


* Nhọt cụm: là nhọt nhưng viêm nặng hơn, lan rộng hơn, sâu hơn do nhiều nhọt tạo thành. Vị trí thường ở gáy, lưng, đùi. ở gáy, lưng nhọt cụm còn được gọi là hương sen, hậu bối. Bệnh nhân thường có sốt, mệt mỏi và rất đau, có thể có albumin niệu.


* Đinh râu: cũng là nhọt nhưng khu trú ở vùng có râu. Đinh râu rất dễ đưa đến viêm xoang tĩnh mạch hang và nhiễm trùng huyết.


Nguyên nhân gây bệnh nhọt và các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh nhọt là tụ cầu vàng ( Staphylococcus aureus). Tuy nhiên, nhọt cũng có thể gây nên do các vi khuẩn khác hoặc nấm. Da bị tổn thương do chà xát, cào gãi hoặc tăng tiết mồ hôi, viêm da, nhiễm nấm là cửa ngõ cho việc xâm nhập của vi khuẩn.

Thuật ngữ bệnh nhọt nhằm chỉ một người bị nhọt tái đi tái lại nhiều lần.

Yếu tố thuận lợi: nghiện rượu, suy dinh dưỡng, tiểu đường, chàm cơ địa, suy giảm miễn dịch…


Tiến triển và tiên lượng

Nhọt tuy là một bệnh nhiễm khuẩn nhưng nói chung lành tính. Bệnh sẽ khỏi trong vòng 3 ngày đến 1 tuần. Một số người nhất là người ra mồ hôi nhiều, vệ sinh da kém hoặc có bệnh tiểu đường, bệnh hệ thống, bệnh suy giảm miễn dịch… có thể bị nhọt tái phát nhiều lần và có thể có diễn biến phức tạp.


Nhọt, nhọt cụm có thể có biến chứng nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận. Những tổn thương ở mặt, mũi (đinh râu) dễ gây viêm tắc xoang tĩnh mạch hang, áp xe não, viêm nội tâm mạc cấp, viêm xương – tủy xương… Sự xâm nhập này có thể xảy ra bất kì lúc nào và không thể tiên đoán trước được. Vì vậy trường hợp nhọt to và sâu, không được tự nặn phá nhọt ở nhà làm vi khuẩn dễ xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.


Điều trị

Không được nặn non. Chấm nhọt nhiều lần trong ngày bằng dung dịch sát khuẩn: chlorhexidine, hoặc hexamidine, hoặc cồn iode. Có thể bôi mỡ kháng sinh nhiều lần trong ngày sau khi chấm dung dịch sát khuẩn.


Có thể uống kháng sinh toàn thân như penicilin V người lớn 2 – 4 triệu UI/ngày trong 7 – 10 ngày hoặc uống amoxycilin người lớn 1,5g/ngày.


Khi nhọt chín nên rạch tháo mủ cho nhọt mau lành và không bị tái phát.


Khi thương tổn nhiều, lan tỏa, hậu bối, đinh râu kèm theo viêm mạch bạch huyết, viêm mô tế bào hay trên cơ địa người đái đường, bị ở vùng mặt….: cần khám và điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.


Phòng bệnh

Vệ sinh sạch sẽ, tránh chấn thương (không gãi, không chà xát), bớt ăn ngọt, ăn đủ chất đạm, bổ sung vitamin A, C. Loại bỏ các yếu tố thuận lợi như tiểu đường, suy dinh dưỡng, béo phì, suy giảm miễn dịch bao gồm cả HIV/AIDS… Khi bị nhọt, giặt sạch đồ dùng cá nhân bằng xà phòng tiệt khuẩn với nước nóng.

PGS.TS Trần Anh

(Theo http://www.suckhoedoisong.vn)

Bệnh của tóc

Tháng Hai 28, 2009

Một mái tóc mượt mà, khoẻ mạnh sẽ giúp bạn tự tin hơn. Bình thường ngày nào cũng có một số sợi tóc bị rụng, ngay dưới chân sợi tóc vừa rụng sẽ có một mầm tóc mới mọc lên thay thế sợi tóc cũ, mặc dù hàng ngày không nhìn thấy sự đổi thay này. Hẳn bạn sẽ rất phiền lòng khi thấy tóc mình có vấn đề.

Tóc khô giòn, dễ gãy và bị chẻ


Gội, sấy, ép, nhuộm, hấp, là tóc nhiều dễ có nguy cơ mắc các bệnh của tóc

Nguyên nhân gặp chính do sấy nhiều, sử dụng các hoá chất để ép tóc, làm quăn tóc, nhuộm tóc, những người làm việc ở môi trường có nhiệt độ cao hoặc phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều cũng có thể làm cho tóc khô giòn, dễ gãy, chẻ.
Bạn nên sử dụng các hoá chất lên tóc một cách hợp lý và phù hợp với tóc của mình, không nên lạm dụng quá. Nếu tác động của các hoá chất này quá mạnh thì bạn không nên dùng. Gội bằng các dầu gội dưỡng ẩm hoặc tốt hơn cả là nước bồ kết quả nấu lên cùng với các lá có tinh dầu lá bưởi, vỏ bưởi, lá hương nhu…
Ngoài ra nguyên nhân còn có thể là do các bệnh lý nội tiết như tiểu đường, bướu cổ, bệnh xơ cứng bì, luput ban đỏ hoặc suy dinh dưỡng, hội chứng kém hấp thu… Trong trường hợp này cần điều trị bệnh chính.

Tóc luôn bị nhờn, ẩm ướt

Một số bạn có mái tóc rất nhờn, các sợi tóc cứ dính bết lại với nhau, nhiều khi làm bạn cảm thấy mất tự tin. Đó là do có sự biến đổi nội tiết bên trong cơ thể bạn: chất androgen tiết ra nhiều. Chất này tác động lên các tuyến bã làm chúng tăng tiết chất nhờn ở vùng mặt và da đầu phía trước làm cho tóc và da mặt luôn bị nhờn.
Nếu chất nhờn tiết ra nhiều quá đôi khi còn làm cho các vi nấm phát triển gây nhiều gàu. Rụng tóc trên vùng da dầu cũng hay gặp. Bạn cần sử dụng dầu gội tẩy chất nhờn, tuy nhiên cũng phải sử dụng hợp lý cho khỏi làm hỏng tóc. Khi chất nhờn tiết ra nhiều làm nấm phát triển, tạo nên gàu. Bạn nên phối hợp với dầu gội chống nấm haicneal.

Tóc rụng

1. Rụng tóc không do bệnh lý:


Rụng tóc do dầu gội: Tóc rụng dàn trải trên toàn bộ da đầu, mỗi ngày rụng một ít. Sự rụng tóc này đôi khi bạn không nhận thấy, chỉ khi chải đầu hoặc gội đầu bạn mới thấy rõ rệt. Da đầu hoàn toàn không ngứa và không có mụn, không bị đỏ, không có vảy.


Nguyên nhân của loại rụng tóc này thường do dùng dầu gội không hợp lý: ngày nào cũng gội, sử dụng dầu gội có chất tẩy mạnh, dùng lượng dầu gội nhiều quá mức cần thiết. Về điều trị cần dừng các dầu gội lại. Nên gội bằng nước bồ kết quả nấu lên cùng với các lá có tinh dầu lá bưởi, vỏ bưởi, lá hương nhu…Có thể sử dụng dầu gội kích thích mọc tóc có chứa minoxidin (decos vichy…)


Rụng tóc do chế độ làm việc, sinh hoạt không điều độ: Một số người do nghề nghiệp phải thức đêm thường xuyên hoặc thức đêm từng đợt sau đó khó điều chỉnh lại giấc ngủ bình thường. Một số người khác do thói quen sinh hoạt tuỳ tiện, ăn ngủ thất thường… Cần phải điều chỉnh lại giấc ngủ, sinh hoạt cho phù hợp, nếu ngủ kém ta có thể bạn có thể uống thêm 2 viên rotunda buổi tối. Trong chế độ ăn có thể ăn thêm hạt sen, táo quả…


Nhổ tóc do yếu tố tâm lý: Một số người nhất là các bé gái tuổi độ 12-15 tuổi, do căng thẳng hoặc do yếu tố tâm lý không ổn định hay tự nhổ tóc, ngày nào cũng nhổ và thành thói quen, nhiều khi nhổ mất cả một mảng lớn. Về điều trị nên nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân, giải thích cho bệnh nhân không nên nhổ tóc. Trong chế độ ăn có thể ăn thêm hạt sen, táo quả…


2. Rụng tóc do bệnh lý:


Rụng tóc từng mảng: Trên da đầu tự nhiên xuất hiện rụng tóc khu trú từng vùng. Lúc đầu tóc rụng ở một điểm nhỏ, sau đó tóc rụng cứ lan dần ra xung quanh tạo thành một mảng lớn. Có thể có một hoặc nhiều đám. Kích thước các đám này từ 0,5-10cm. Nền da phía dưới hoàn toàn bình thường, đôi khi trông nhẵn bóng.


Rụng tóc này thường không rõ nguyên nhân.


Dầu gội: Tạm thời dừng tất cả các dầu gội thông thường, ta phải dùng các dầu gội làm ngừng sự rụng tóc đồng thời kích thích mọc tóc. Khi tóc ngừng rụng và mọc lại thì bạn chưa được dùng lại các dầu gội thông thường ngay mà vẫn phải gội bằng bồ kết quả hoặc chanh trong thời gian từ 1-2 năm. Sau đó bạn mới dùng lại các dầu gội thông thường nhưng cũng phải gội 2-3 ngày 1 lần.


Thuốc dùng tại chỗ: Ta có thể bôi một trong các chế phẩm có steroid như: fucicort, flucinar, gentrisone, fobancort… ngày 1 lần trong 1-3 tuần. Xịt dung dịch minoxidin 2% có tác dụng kích thích mọc tóc ở một số trường hợp. Theo một số nhà nghiên cứu, tiêm tại chỗ Kcort cũng kích thích mọc tóc, tuy nhiên phải có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa da liễu vì thuốc này có nhiều tác dụng phụ.


Rụng tóc do nấm: Nấm là một tác nhân gây tổn thương chất sừng ở da, móng và tóc. Khi bị nhiễm nấm trên da đầu thì thường làm rụng tóc, gãy tóc. Da đầu vùng tóc bị rụng cũng bị đỏ lên, bong vảy, kèm theo các sẩn đỏ hoặc sẩn mủ. Trong trường hợp nghi ngờ nấm thì phải làm xét nghiệm nấm tìm sợi nấm để điều trị triệt để. Nếu xét nghiệm có nấm thì ta dùng dầu gội chống nấm có chứa ketoconazole 2% (ketoconazole có tác dụng diệt nấm) như: haicneal, nizoral, kara… Tại chỗ bôi các thuốc kháng nấm như kem fungiderm, ketoconazole, lamisil…


Rụng tóc do bệnh toàn thân: Một số người sau khi bị các bệnh nhiễm trùng toàn thể như sốt kéo dài, thương hàn…hoặc trong một số trường hợp dùng hoá chất chống ung thư bị rụng tóc. Tóc rụng đồng đều, rụng nhiều, sợi tóc xơ, không mượt. Thường thì khi người bệnh bình phục tóc sẽ mọc trở lại.


Rụng tóc da dầu: Tóc rụng ở vùng da tiết nhiều chất nhờn: phía trán. Sợi tóc mảnh và thường bị bết lại do chất nhờn. Rụng tóc da dầu điều trị cũng không đạt được hiệu quả ở tất cả các trường hợp. Ta có thể dùng dầu gội chống nhờn. Xịt dung dịch minoxidin 2%.


Hói đầu ở đàn ông: Rụng tóc này hay có tính chất gia đình, có thể có nhiều thành viên trong gia đình bị giống nhau. Thường ở tuổi 20 hoặc 30 trở ra tóc đã bắt đầu bị rụng và quá trình rụng tóc cứ tiến triển dần rồi sau một thời gia trở thành hói. Điều trị các trường hợp này cực kỳ khó khăn, đôi khi phải cấy tóc.


Rụng tóc toàn bộ: Có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào kể cả tuổi thanh niên. Tóc rụng trên đầu trước, cứ rụng dần dần, tóc ngày càng thưa sau đó rụng hết toàn bộ tóc trên đầu, rụng cả lông mày, lông mi… Có thể liên quan đến một số bệnh nội tiết bên trong cơ thể. Điều trị thể rụng tóc này rất khó. Đôi khi uống thuốc đông y cũng có thể cải thiện ở một số trường hợp. Trong nhiều trường hợp chữa thất bại thì bệnh nhân phải đeo tóc giả.


Cách gội đầu: Cho tất cả các loại hình rụng tóc ta phải tuân thủ chế độ gội đầu như sau: chỉ được gội đầu 2-3 ngày 1 lần, không gãi, không chà xát mạnh làm xước da. Không được gội hàng ngày vì sẽ tẩy hết chất ceramide có trên bề mặt da đầu. Chất ceramide có tác dụng bảo vệ da đầu.


Thuốc dùng đường toàn thân: Có thể uống một đợt vitamin kích thích mọc tóc: bepanthen. Nếu rụng tóc da dầu ta có thể uống thêm vitamin B2 hoặc vitamin B5 (Biotin). Trong một số trường hợp rụng tóc kéo dài và rụng nhiều thì bạn phải đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có chẩn đoán và điều trị thích hợp nhất. Rụng tóc do nấm có kèm tổn thương da nhiều thì phải uống kháng sinh chống nấm (ketoconazole, hoặc itraconazole hoặc terbinafin) một đợt theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Ta tuyệt đối không tự ý mua thuốc ở hiệu thuốc về uống. Khi bệnh nấm khỏi thì hầu hết các trường hợp tóc mọc lại bình thường.

TS. Nguyễn Thị Lai

(Theo http://www.suckhoedoisong.vn)

Cách dùng một số nhóm thuốc bôi ngoài da

Tháng Hai 28, 2009

Bài viết tương đối dài, mời bạn click vào “tiêu đề” hoặc “đọc thêm…” để xem toàn bộ bài viết

Xem hình
Bệnh viêm da tiếp xúc – một chỉ định rất tốt của glucocorticoid bôi tại chỗ.

Thuốc chống nấm

Hiện nay, rất nhiều loại thuốc chống nấm bôi ngoài da có sẵn trên thị trường nhưng hiệu quả và cách sử dụng của chúng không hoàn toàn giống nhau. Nystatin và miconazol đặc biệt hiệu quả trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm men (như Candida) nhưng không tác dụng đối với nấm sợi. Clotrimazol và ketoconazol có phổ tác dụng khá rộng so với 2 loại thuốc trên nhưng kém hơn so với các chế phẩm mới như terbinafin, ciclopirox olamin và butenafin. Các thuốc chống nấm bôi tại chỗ thường được sử dụng trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm nông như lang ben, hắc lào, hăm kẽ, nấm móng, nấm da đầu…

Cần lưu ý là trong các trường hợp nấm da đầu và nấm móng, thuốc chống nấm bôi tại chỗ thường không đủ tác dụng mà phải phối hợp thêm đường uống. Hiệu quả của các thuốc chống nấm bôi tại chỗ thường đạt được sau dùng thuốc ít nhất 2 tuần, trừ trường hợp lang ben và hắc lào có thể thu được hiệu quả sau vài ngày. Nấm kẽ và nấm bàn chân ở các vận động viên điền kinh thường gây ra do độ ẩm tại chỗ quá cao, do đó, việc điều trị phải phối hợp giữa thuốc chống nấm với các biện pháp chống ẩm tại chỗ. Nếu có trợt loét do bội nhiễm vi khuẩn cần phối hợp thêm kháng sinh. Bên cạnh các chỉ định trên, thuốc chống nấm bôi tại chỗ còn được chỉ định trong điều trị viêm da dầu.

Kháng sinh

Mặc dù có tới hàng trăm loại thuốc kháng sinh khác nhau đã được bào chế và đưa vào sử dụng nhưng rất ít trong số này có thể dùng được ngoài da. Mỡ erythromycin và clindamycin thường được sử dụng trong điều trị trứng cá mủ và viêm nang lông, trong khi đó, các loại mỡ mupirocin, polymyxin, bacitracin và neomycin thường được dùng trong điều trị các nhiễm trùng ngoài da như chốc…

Mỡ kháng sinh cũng có tác dụng tốt trong dự phòng nhiễm trùng các vết thương ngoài da. Viêm da tiếp xúc là tác dụng phụ thường gặp với các loại mỡ chứa polymyxin, bacitracin và neomycin, do đó nên tránh sử dụng các loại thuốc này nếu có thuốc thay thế thích hợp. Một số trường hợp dị ứng nặng như hội chứng Stevens-Johnson và Lyell do các loại kháng sinh bôi tại chỗ cũng đã được ghi nhận.

Corticoid

Các loại corticoid bôi tại chỗ, chủ yếu trong điều trị các bệnh lý da do viêm như chàm cơ địa, viêm da dầu, viêm da tiếp xúc, tổ đỉa… Một số bệnh lý ngoài da khác như u lympho thể da, lupus ban đỏ, vảy nến, liken phẳng… cũng có đáp ứng tốt với các thuốc này.

Tác dụng phụ nguy hiểm nhất của corticoid bôi tại chỗ là gây teo da. Biến chứng này thường xảy ra sớm với các loại corticoid tác dụng mạnh như clobetasol propionat, fluocinolone acetonid… nhưng cũng có thể gặp với các loại tác dụng yếu nếu sử dụng kéo dài và liên tục. Mặt, nếp gấp và các vùng da mỏng thường bị teo da nhanh nhất trong khi lòng bàn tay, bàn chân thường teo da chậm hơn. Trẻ em có nguy cơ teo da cao nhất, dùng phối hợp với corticoid toàn thân hoặc tiếp xúc nhiều với ánh nắng sau thoa thuốc cũng làm tăng nguy cơ teo da.

Biểu hiện của teo da bao gồm các vết bầm tím, da trở nên bóng và có các khía. Các tác dụng khác thường gặp do corticoid bôi tại chỗ bao gồm rối loạn sắc tố da, rậm lông, nổi mụn trứng cá, làm chậm liền vết thương… Corticoid dùng kéo dài tại các vùng da quanh mắt còn có thể gây ra hoặc làm nặng bệnh đục thủy tinh thể và thiên đầu thống.

Ngoài ra, các loại tác dụng mạnh nếu dùng kéo dài hoặc trên diện rộng cũng có thể gây ức chế tuyến thượng thận. Trong một số ít trường hợp, corticoid bôi tại chỗ còn có thể gây viêm da tiếp xúc, mặc dù các thuốc này có tác dụng chống dị ứng rất mạnh.

Tác dụng phụ của corticoid bôi phụ thuộc chủ yếu vào cường độ tác dụng và thời gian sử dụng của thuốc. Trong khi đó, tác dụng điều trị của các thuốc này tỷ lệ thuận với nguy cơ gây tác dụng phụ của thuốc. Các biệt dược khác nhau của cùng một hoạt chất với cùng một hàm lượng cũng có thể có hiệu quả điều trị và nguy cơ gây tác dụng phụ không giống nhau. Ngoài ra, việc tăng hàm lượng của một hoạt chất corticoid trong thuốc bôi không làm tăng đáng kể hiệu quả điều trị của thuốc, ví dụ, tác dụng chống viêm của mỡ triamcinolon 0,1% không lớn hơn đáng kể so với mỡ triamcinolon 0,025%.

Một số điều cần lưu ý trong việc lựa chọn corticoid bôi: Do corticoid bôi tại chỗ có nhiều nguy cơ gây tác dụng phụ nên cần chẩn đoán xác định chính xác bệnh trước khi đưa ra quyết định sử dụng các thuốc này. Việc lựa chọn corticoid bôi cần cân đối giữa hiệu quả điều trị với nguy cơ tác dụng phụ. Điều trị các bệnh như liken phẳng, lupus ban đỏ ngoài da thường đòi hỏi các loại corticoid bôi tác dụng mạnh, do các bệnh lý này thường có tổn thương viêm ở các lớp sâu của da.

Một số bệnh lý có tổn thương viêm da ở quá sâu như sarcoidosis thường không đáp ứng với corticoid bôi tại chỗ do tác dụng phụ của thuốc thường đến trước khi tác dụng chính xuất hiện. Các bệnh lý có tổn thương da ở nông trên bề mặt như vảy nến, chàm cơ địa thường đáp ứng tốt với các loại corticoid bôi tác dụng trung bình. Trong các trường hợp viêm da mạn tính ở bàn tay (như trong bệnh như vảy nến, chàm cơ địa), nên lựa chọn các loại corticoid bôi tác dụng mạnh và dùng trong thời gian ngắn để hạn chế nguy cơ teo da lòng bàn tay. Nói chung, ở trẻ em nên lựa chọn các loại thuốc bôi có cường độ tác dụng yếu như hydrocortison, clobetason butyrat…

Các thuốc bôi phối hợp

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại thuốc bôi phối hợp với thành phần chủ yếu bao gồm một loại corticoid, một loại kháng sinh và một loại thuốc chống nấm. Nói chung, nên hạn chế tối đa việc sử dụng các thuốc này trong thực tế, vì trong nhiều trường hợp, các thành phần trong thuốc có thể cản trở hiệu quả của nhau. Ví dụ, trong trường hợp nấm da, các chế phẩm có chứa corticoid sẽ làm nặng bệnh và giảm hiệu quả của thuốc chống nấm.

BS. Nguyễn Hữu Khánh

(Theo http://www.suckhoedoisong.vn)

Thuốc nam trị lở, ngứa

Tháng Hai 28, 2009

Về mùa nóng, nhiệt độ cao khiến cơ thể chảy nhiều mồ hôi thường gây rôm sẩy, mẩn ngứa, khi gãi gây sây sát da dễ sinh mụn nhọt. Sau đây là một số vị thuốc và bài thuốc được dùng để trị lở ngứa.

Huyền sâm: Có tính mát, trị sốt nóng, mẩn ngứa, mụn nhọt, rôm sẩy.

Bài thuốc: Huyền sâm, sài đất, thổ phục linh, mỗi vị 10g, cam thảo 4g; sắc uống ngày 1 thang. Hoặc tất cả nấu thành cao, trừ thổ phục linh tán bột, trộn đều với đường kính vừa đủ chế thành dạng cốm.

Ké đầu ngựa.

Ké đầu ngựa: Thành phần có hoạt tính là xanthinin. Có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, chống dị ứng, hạ sốt, lợi tiểu, an thần. Được dùng chữa lở ngứa, mày đay, mụn nhọt. Ngày dùng 6-12 quả, hoặc 10-16g cành và lá dưới dạng thuốc sắc, viên hoặc cao.

Bài thuốc: Lá ké đầu ngựa tán bột 8g, uống với nước nấu đậu đen. Phối hợp dùng ngoài lá ké đầu ngựa, lá bồ hòn, lá nghể răm, lá thuốc bỏng, nấu nước để xông và tắm.

Kim ngân: Có vị ngọt, tính mát, nhân dân một số nơi dùng nấu nước uống thay nước chè. Kim ngân được dùng trị rôm sẩy, mụn nhọt, lở ngứa.

Bài thuốc: Hoa kim ngân 6g, cam thảo 3g, nước 300ml, sắc còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

Kim ngân.

Mướp đắng: Có vị đắng, tính lạnh, không độc. Ngoài công dụng làm thức ăn, mướp đắng được dùng làm thuốc mát tắm cho trẻ em trừ rôm sẩy, thuốc sắc uống chữa sốt, chữa ho.

– Thuốc tắm cho trẻ em trị rôm sẩy: Mướp đắng 2-3 quả, nấu với nước để tắm cho trẻ em, ngày 1 lần.

– Chữa chốc đầu trẻ em: Dùng lá đào nấu nước gội đầu, rồi giã nát quả cùng với hạt mướp đắng để bôi.

Núc nác: Có vị đắng, tính mát, được dùng chữa bệnh dị ứng, lở ngứa da.

Chữa mụn nhọt, chốc lở, mẩn ngứa, mày đay: Vỏ núc nác 30g, thổ phục linh 40g, ké đầu ngựa, cam thảo dây, mỗi vị 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Rau má: Là một vị thuốc mát, vị ngọt, hơi đắng, không độc, còn được dùng làm rau ăn và nghiền làm nước sinh tố rất mát và bổ.

Chữa rôm sẩy, mẩn ngứa: Hàng ngày ăn rau má trộn dầu giấm. Hoặc dùng rau má tươi, giã nát, vắt lấy nước, thêm đường uống hằng ngày.

Sài đất: Nhân dân một số nơi dùng cây sài đất làm rau ăn. Sài đất dùng trị rôm sẩy, viêm tấy, mụn nhọt. Dùng sài đất tươi 300g, nấu với nước để tắm. Hoặc dùng 100g sài đất tươi, giã với ít muối, thêm 100ml nước đun sôi để nguội, rồi vắt lấy nước uống làm 2-3 lần trong ngày. Bã đắp vào chỗ sưng tấy.

Dùng riêng sài đất hoặc phối hợp với bồ công anh, kim ngân và ké đầu ngựa.

Sắn dây: Bột lọc (tinh bột) sắn dây dùng để pha nước uống với đường cho mát, giảm nhiệt, đỡ rôm sẩy.

Bột rắc lên những nơi mồ hôi ẩm ướt, ngứa, rôm sẩy: Bột lọc sắn dây 5g, thiên hoa phấn (tán bột mịn) 5g, hoạt thạch 20g, trộn đều, rắc lên nơi ẩm ngứa rôm sẩy.

Đậu đen: Có tính mát.

Chữa dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt: Đậu đen sao nhỏ lửa đến khi ruột bên trong có màu vàng đậm. Lấy 50-100g sắc uống.

Đinh lăng: Lá đinh lăng chữa dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt, sưng tấy. Ngày dùng 4-6g rễ hoặc 30-50g thân cành, hoặc 80g lá đinh lăng sao vàng sắc uống.

Thổ phục linh: Có tác dụng trị bệnh mụn nhọt, lở ngứa, dị ứng da.

Chữa dị ứng, mẩn ngứa, mày đay: Thổ phục linh 20g, liên kiều, ké đầu ngựa, kim ngân hoa, cam thảo dây, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa mụn nhọt, chốc lở: Thổ phục linh, kim ngân, bồ công anh, mỗi vị 12g, mã đề, cam thảo nam mỗi vị 10g, ké đầu ngựa, hoa kinh giới, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

GS. Đoàn Thị Nhu

(Theo SỨC KHOẺ CỘNG ĐỒNG)

Món ăn dành cho người viêm da nhiệt

Tháng Hai 28, 2009
Xem hình
Lá sen.

Thông thường do khí hậu nóng bức gây nên chứng viêm da mùa hè, nhưng có khi do chế độ ăn uống không đúng cách cũng là một nguyên nhân sinh bệnh. Do đó để phòng ngừa và góp phần trị liệu chứng bệnh này, đông y nhận thấy chúng ta cần biết cách chọn lựa các thực phẩm thích hợp có tác dụng về lĩnh vực này, nghĩa là cần dùng các thức ăn có tác dụng khử thử, lợi thấp, thanh hỏa, sinh tân, như các loại rau cải dầu, rau cần, rau chân vịt, mướp đắng, dưa chuột, bí đao, ngó sen tươi, măng, giá đỗ, ngân nhĩ, hạt sen, nấm, đậu phụ, sữa đậu nành, tảo đỏ, rau câu…

Thức ăn động vật như thịt thỏ, thịt vịt, cá mực… đều là các loại có tác dụng thanh nhiệt sinh tân, mọi người nhất là người bệnh nên ăn thường xuyên trong các ngày hè. Tuy nhiên cũng có những thức ăn cay nóng cần giảm ăn hoặc tốt nhất là kiêng trong mùa hè như rượu, thịt chó, thịt gà, cừu, tôm, rau cải, lá hẹ… hoặc những thức ăn có tác dụng kích thích như ớt, mù tạt, cà phê, trà đặc, sôcôla… có tác dụng kích thích da rất mạnh nên dễ gây viêm hay tăng bệnh viêm da, làm cho ngứa ngáy nhiều. Ngoài ra các đồ như cá, cua, lươn, lạp xường, cà chua, đồ hộp… nếu dùng nhiều cũng có thể xuất hiện dị ứng da và làm bệnh nặng thêm, nên cần lưu ý ăn hạn chế.

Sau đây là vài món ăn thuốc có lợi cho việc phòng, chữa bệnh viêm da.

Cháo lá sen: Lá sen nửa tàu, cho cùng gạo nấu thành cháo ăn trong ngày. Cháo lá sen có tác dụng thanh nhiệt, mát huyết, bổ âm, sinh tân, tiêu viêm, hết ngứa.

Trà đậu xanh: Đậu xanh 100g, ý dĩ nhân tươi 10g, sắc lên và cho thêm ít chè xanh vào nấu lấy nước uống trong ngày sẽ làm bệnh giảm, bớt ngứa.

Chè hồng táo: Hồng táo 20g quả, ngân nhĩ 10g, trúc diệp 5g, đường phèn vừa đủ. Cho tất cả vào nấu thành chè, ăn ngày một lần. Chè hồng táo làm mát huyết, sinh tân dịch, hết ngứa ngáy.

Trứng chim cút, mật ong: Trứng chim cút 2 quả, cho vào bát đánh tan, đổ mật ong nấu cùng. Ngày ăn một lần vào lúc sáng sớm khi bụng đói. Món ăn này có tác dụng tiêu viêm, chống dị ứng, làm nhuận, bổ da. Rất thích hợp dùng cho trẻ nhỏ.

BS. Hoàng Xuân Đại

Herpes simplex

Tháng Hai 28, 2009
Xem hình
Virus herpes simplex

Virus gây bệnh herpes simplex còn gọi là virus gây bệnh mụn rộp. Nhưng thuật ngữ herpes simplex (herpes đơn dạng) đã được Việt hóa. Đây là loại virus mà acid nhân là ADN. Kích thước từ 150 – 200 nm.

Có 2 loại HSV (có tài liệu viết là HHV: Human Herpes Virus):

+ HSV 1: Gây bệnh ở da, niêm mạc phần trên của cơ thể như mắt, mũi, miệng. Lây truyền bằng tiếp xúc trực tiếp với virus qua thương tổn của chúng hoặc qua nước bọt.


+ HSV2: Gây bệnh ở da niêm mạc bộ phận sinh dục. Bệnh lây truyền qua đường tình dục.


Sự phân loại này không hoàn toàn tuyệt đối vì người ta có thể phân lập thấy HSV 1 ở những thương tổn tại bộ phận sinh dục và HSV2 cũng được phân lập từ những thương tổn ở môi, miệng.


Biểu hiện lâm sàng:

Nhiễm herpes sơ phát:

· Viêm niêm mạc/niêm mạc miệng lợi, nguyên nhân do HSV1 gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em, ở tuổi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Thời gian ủ bệnh: 6 ngày.Thời kỳ toàn phát: Viêm niêm mạc miệng, lợi; khó nuốt; tăng tiết nước bọt; thể trạng mệt mỏi; sốt 390C, kèm theo hạch dưới hàm sưng đau. Khám: Có thể thấy mụn nước mọc thành chùm hoặc trợt nông hình đa cung, màu đỏ, có thể có giả mạc. Vị trí: niêm mạc má, môi, lợi, lưỡi. Tiến triển trong vòng 10 – 15 ngày sẽ lành.


· Herpes bộ phận sinh dục: Nguyên nhân do HSV2. Bệnh gặp ở cả nam lẫn nữ. Triệu chứng: Đau, ngứa, nóng rát kèm theo sốt, mệt mỏi. Thương tổn là những mụn nước bằng hạt kê, hạt tấm mọc thành chùm hoặc những vết trợt nông (do mụn nước dập vỡ) hình đa cung, kèm theo nổi hạch bẹn. Thường xuất hiện ở dương vật, môi lớn, môi nhỏ, âm đạo, cổ tử cung, cũng có khi ở hậu môn. Sau 10 – 15 ngày sẽ khỏi, có thể để lại sẹo nông.


· Các thể lâm sàng khác của herpes sơ phát:

Herpes da đơn thuần: chỉ gây bệnh ở da. Thương tổn là những mụn nước mọc thành chùm. Kích thước đám thương tổn có thể bằng hoặc hạt đậu, trôn chén hoặc to hơn. Có thể có 1, 2 hoặc nhiều đám thương tổn herpes.


– Herpes ở mặt: Gây viêm kết mạc, giác mạc hoặc vừa viêm kết mạc giác mạc. Mi mắt có những mụn nước như hạt tấm mọc thành chùm. Mi mắt có thể sưng phù. Vị trí thường ở một mắt, hiếm khi hai mắt cùng bị herpes cùng lúc.


Herpes ở người suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS) ở những người nhiễm HIV/AIDS rất hay bị nhiễm herpes lan toả. HSV1 vừa gây thương tổn ở niêm mạc miệng, mũi, mắt, thương tổn da, thương tổn nội tạng như viêm não, màng não, viêm gan do herpes. Các thương tổn do herpes gây ra có xu hướng hoại tử, lan tràn, trên lưng rất nặng.


Herpes ở người viêm da cơ địa. Những người bị viêm da cơ địa nếu bị nhiễm virus HSV sẽ gây ra chàm dạng herpes. Tại nơi có thương tổn chàm có thể có các thương tổn mụn nước, kèm theo bọng nước lõm giữa, mụn mủ lõm giữa, hoặc mụn nước, bọng nước chứa máu. Triệu chứng toàn thân nặng, có thể tử vong, nhất là ở trẻ nhỏ.


Herpes trẻ sơ sinh (Herpes néonatal): Herpes ở trẻ sơ sinh hiếm gặp so với herpes ở trẻ em và người lớn. Tỷ lệ herpes trẻ sơ sinh 1/1.500 – > 1/10.000 trẻ sơ sinh.


Nguyên nhân do HSV2 lây từ herpes sinh dục của người mẹ trong thời kỳ thai nghén, nhất là tuần thứ 20 của thai kỳ trở đi hoặc lây truyền từ mẹ sang con lúc chuyển dạ.


Trẻ bị herpes sơ sinh có thể tử vong sau khi đẻ, dị dạng, não úng thuỷ, viêm màng đệm (chorioremites). Biểu hiện lâm sàng của herpes trẻ sơ sinh thường xuất hiện trong khoảng ngày thứ 5 đến ngày thứ 17, sau khi sinh. Chẩn đoán khó vì các biểu hiện da chỉ xuất hiện khoảng 20% các trường hợp. Tỷ lệ tử vong cao (15-20%).


Viêm não do Herpes: Bệnh có thể gặp ở trẻ em và người lớn; nguyên nhân phần lớn do HSV1; có thể gặp ngay thời kỳ nhiễm herpes sơ phát hoặc tái phát.


Herpes tái phát:

100% các trường hợp herpes đều tái phát. Điều kiện thuận lợi cho herpes tái phát xuất hiện: Nhiễm trùng toàn thân; trên trẻ sơ sinh; dùng thuốc chống viêm có corticoid; bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, nhất là HIV/AIDS; tiến triển trong vòng 1 – 2 tuần sẽ khỏi.


Triệu chứng herpes tái phát:

Có thể có sốt hoặc không; có thể có sưng hạch phụ cận hoặc không. Thương tổn da niêm mạc giống như herpes sơ phát. Vị trí thương tổn: Môi, mũi và tiền đình mũi, niêm mạc miệng, mắt, cơ quan sinh dục. Nhịp độ tái phát: 2 – 3 – 4 lần trong năm. Nếu bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch, nhất là HIV/AIDS, herpes sẽ rất nặng tái phát liên tục 1 tháng 1 lần, mỗi đợt tái phát thường kéo dài tới 15 ngày, thương tổn có khi là những vết loét, có những mụn nước, bọng nước mụn mủ hoại tử.


Điều trị:

Toàn thân: acyclovir; valaciclovir; famciclovir; mangoherpin; mediplex; isopresinosine. Mangoherpin là một sản phẩm có nguồn gốc thảo mộc, thuốc có hiệu quả điều trị, ít tai biến, lại rẻ tiền.


Tại chỗ: acyclovir; poscarrnet; mangoherpin.

PGS.TS. Phạm Hiển

(Theo Báo sức khỏe và đời sống)

Thuốc điều trị bệnh lang ben

Tháng Hai 28, 2009

Lang ben là bệnh nấm nông ngoài da, nguyên nhân do nấm Malassezia furfur. Bệnh thường gặp ở người trẻ, ở các vùng khí hậu nóng, ẩm. Bệnh lang ben ít ảnh hưởng tới sức khỏe chung của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng tới thẩm mỹ vì làm thay đổi màu sắc vùng da bị bệnh và gây ngứa ngáy, khó chịu. Chính vì vậy người bệnh thường mong muốn được điều trị một cách triệt để. Hiện nay có nhiều loại thuốc dùng điều trị lang ben nhưng nếu dùng bừa bãi, không đúng cách có thể không trị được bệnh mà lại gặp phải tác dụng phụ của thuốc.

Xem hình
Hình ảnh nấm Malassezia furfur trên kính hiển vi.

Lang ben là bệnh nấm nông ngoài da, nguyên nhân do nấm Malassezia furfur. Bệnh thường gặp ở người trẻ, ở các vùng khí hậu nóng, ẩm. Bệnh lang ben ít ảnh hưởng tới sức khỏe chung của bệnh nhân nhưng lại ảnh hưởng tới thẩm mỹ vì làm thay đổi màu sắc vùng da bị bệnh và gây ngứa ngáy, khó chịu. Chính vì vậy người bệnh thường mong muốn được điều trị một cách triệt để. Hiện nay có nhiều loại thuốc dùng điều trị lang ben nhưng nếu dùng bừa bãi, không đúng cách có thể không trị được bệnh mà lại gặp phải tác dụng phụ của thuốc.

Có hai dạng thuốc được dùng để điều trị bệnh lang ben: thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống toàn thân. Thuốc bôi gồm có các loại: dung dịch ASA, BSI; kem, mỡ hoặc gel trong đó có chứa các loại thuốc kháng nấm như: ketoconazol, bifonazol, clotrimazol, econazol, miconazol…

Dùng thuốc bôi tại chỗ cần chú ý những vấn đề sau:

– Dung dịch ASA hoặc BSI có thể gây kích ứng da tại chỗ, gây bỏng da, lột da vì vậy không được bôi trên diện rộng, không nên bôi ở những vùng da mỏng, nhạy cảm. Không được để thuốc dính vào vùng niêm mạc và bán niêm mạc như mắt, miệng, sinh dục. Nên bôi ngày 1 lần vào buổi tối. Nếu tổn thương quá nhiều, nên chia ra bôi từng vùng vào các thời điểm khác nhau trong ngày. Các thuốc loại này hiệu quả thấp, dễ tái phát nếu dùng đơn độc vì vậy nên kết hợp với các loại thuốc khác nếu bị bệnh trên diện rộng.

– Thuốc bôi dạng kem, mỡ: Cần bôi thuốc khi bề mặt da sạch, khô, không có mồ hôi. Bôi đều và để hở khoảng 30 phút rồi mới mặc áo để tránh thuốc dính vào quần áo, vừa lãng phí thuốc lại vừa mất tác dụng. Nên bôi thuốc 2 lần 1 ngày, sáng và tối.

Có nhiều nhóm thuốc kháng nấm dùng đường uống. Có thể sử dụng các loại thuốc sau:

– Thuốc chống nấm nhóm imidazol. (ketoconazol): cần chú ý thuốc có ảnh hưởng độc với gan, vì vậy trước khi điều trị cần làm các xét nghiệm kiểm tra chức năng gan. Ketoconazol còn có nhiều tương tác với các thuốc cùng chuyển hóa qua gan (do ức chế chuyển hóa qua cytochrome P450). Ngoài ra trong nhóm này có các thuốc khác như: itraconazol, fluconazol ít độc với gan và ít tương tác hơn ketoconazol nên được sử dụng rộng rãi hơn, hiệu quả hơn.

– Thuốc chống nấm nhóm allylamin (terbinafin) hấp thu rất tốt qua đường tiêu hóa. Những tác dụng phụ có thể gặp là gây rối loạn tiêu hóa, gây rối loạn vị giác. Thuốc này ít gây độc cho gan so với nhóm imidazol.

– Griseofulvin: là thuốc uống chống nấm rẻ nhất có hiệu quả với các loại nấm da, tuy nhiên không bằng các thuốc nhóm imidazol và allylamin. Thuốc có thể làm tăng nhạy cảm ánh sáng của da vì vậy cần tránh nắng trong thời gian dùng thuốc. Nên uống thuốc sau khi ăn vì thuốc hấp thu tốt hơn sau khi ăn các loại thức ăn dầu và nên uống thuốc với nhiều nước.

Ngoài ra, khi điều trị bệnh lang ben, nên kết hợp dùng cả thuốc bôi và uống. Không nên tắm bằng xà bông, sữa tắm mà nên dùng chanh để tắm, không nên chà xát nhiều. Nên giữ cho cơ thể khô ráo, tránh ẩm ướt và ra mồ hôi. Giặt sạch quần áo và phơi dưới nắng to hoặc là ủi mặt trong quần áo.

Lang ben là bệnh thường gặp và gây khó chịu. Điều trị bệnh không khó nhưng rất dễ tái phát. Cần kết hợp điều trị bằng thuốc và các biện pháp vệ sinh, phòng bệnh sẽ giúp bạn có làn da sạch sẽ và khỏe mạnh.

BS. Vũ Tuấn Anh

(Theo Báo sức khỏe và đời sống)